Trong đời sống, có một nghịch lý đáng buồn: càng trưởng thành, càng có tuổi, càng có bản sự, người ta lại càng muốn người khác phục mình. Nhưng điều họ thường không hiểu là: người khác có thể phục họ, nhưng chưa chắc Trọng họ.
Có những người, khi còn trẻ được người ta quý mến vì hồn nhiên và chân thành. Nhưng khi họ lớn tuổi, có chức quyền, có học vị, họ lại bắt đầu “ra vẻ” và tin rằng: mình phải được người khác kính nể.
Thế rồi, họ nói nhiều hơn, dạy đời nhiều hơn, nhưng người nghe thì ngày càng ít tin, ít nghe, và xa cách.
Vì sao? Vì cái khiến người ta nghe lời, kính trọng thực sự, không phải là tuổi tác hay bằng cấp, mà là Đức Hạnh.
Mà đức hạnh thì không thể vay mượn, không thể ép buộc, cũng không thể tô vẽ bằng vẻ bề ngoài.
1. Cái “phục” là biểu hiện của trí tuệ; cái “trọng” là phản ánh của lòng người
Người ta phục bạn vì bạn có kiến thức, có tài năng, có kỹ năng thuyết phục, hoặc vì bạn đang ở vị trí cao hơn họ.
Nhưng người ta chỉ trọng bạn khi họ cảm nhận được từ bạn một phẩm chất nội tâm đáng tin cậy.
Tăng Tử từng nói:
“Người quân tử trọng Đức, tiểu nhân trọng lợi; người trí trọng Lễ, kẻ ngu trọng tiện.”
Người có Đức sẽ không cần khoe. Họ khiêm nhường, biết lắng nghe. Họ không cần dạy ai điều gì, nhưng chính cách sống của họ đã là một bài học.
Trong khi đó, người thích được “phục”, lại thường là người thiếu tu dưỡng. Họ muốn người khác thừa nhận mình giỏi, muốn người khác nghe theo lời mình, nhưng bản thân họ lại không sống đúng với những điều họ nói.
Socrates cũng từng bảo:
“Hãy là người tốt, không cần phải được ca ngợi. Vì điều gì tốt thật sự thì sẽ tự tỏa sáng.”
2. Khi Đức Hạnh không đủ, lời nói không ai nghe
Nhiều người lớn tuổi than phiền: “Tụi nhỏ bây giờ không nghe lời.” Nhưng họ không hỏi lại chính mình: “Mình có xứng đáng để tụi nhỏ nghe chưa?”. Tất nhiên vấn đề đều nằm ở hai bên.
Người ta có thể sợ bạn mà im lặng, nhưng không có nghĩa là họ Kính Trọng bạn.
Bạn có thể bắt họ nghe, nhưng không thể bắt họ tin.
Người có đức không cần phải nói to, không cần dọa nạt, không cần dạy dỗ. Ánh mắt họ, cách họ sống, cách họ đối xử với người yếu hơn – đủ để người khác kính nể.
3. Cái tài khiến người khác nể – nhưng cái tâm mới khiến người khác theo
Người thông minh thì giành được thắng lợi. Người có Đức thì giữ được lòng người.
Lão Tử nói:
“Thánh nhân không nói nhiều, nên lời nói có uy.”
Còn Khổng Tử dạy:
“Đức giả, bản dã; tài giả, mạt dã. Bản mạt đảo, dân chi diệc loạn hĩ.”
(Nghĩa là: Đức là gốc, tài là ngọn. Gốc ngọn đảo lộn, xã hội sẽ loạn.)
Người đời hiện nay lại thường xem nhẹ chữ Đức, chạy theo thành tích, bằng cấp, danh tiếng, nhưng rốt cuộc vẫn thấy mỏi mệt, thấy cô đơn, thấy lời nói mình không còn trọng lượng.

4. Đức hạnh là tiếng nói không lời, là sức mạnh vô hình
Càng lớn tuổi, người ta càng nên khiêm nhường và biết tự soi xét. Vì lời nói lúc đó không còn là để “dạy bảo” ai, mà là để lắng nghe, thấu hiểu, và truyền cảm hứng bằng chính sự lặng lẽ của mình.
Bạn có thể là người cha, người mẹ, người thầy, người trên, nhưng nếu bạn nóng nảy, tự cao – thì con, trò, hay nhân viên, đều sẽ dần xa bạn.
Cổ nhân có câu:
“Ngôn dĩ tổn đức, mạc chi đại dã.”
(Dùng lời nói làm tổn hại Đức, là điều nguy hại nhất.)
Hay như lời khuyên của Marcus Aurelius – vị hoàng đế khắc kỷ La Mã:
“Hãy trở nên xứng đáng để được lắng nghe, thay vì đòi hỏi người khác phải nghe bạn.”
Bạn có thể được người ta “phục” vì bạn hơn họ.
Nhưng nếu muốn được người ta “trọng”, bạn phải sống cao hơn chính mình.
Người khôn thì khiến người khác nể. Người có Đức thì khiến người khác muốn gần, muốn tin, muốn học.
Đừng dừng lại ở việc chinh phục lý trí của người khác.
Hãy chạm đến trái tim họ – bằng sự bao dung, khiêm nhường và tử tế của bạn.
Vì chỉ có Đức Hạnh mới trường tồn với thời gian, cũng là thứ mang lại Hạnh Phúc thật sự cho một sinh mệnh.
Nguyên Tác An Hậu
Phong thái Sống: Biết cúi mình để trở nên đẹp hơn
Lòng từ ái khởi nguồn từ chính mình
Post a Comment